“The Psychology of Money” (tạm dịch: Tâm lý học về Tiền) là một trong những cuốn sách nổi bật đầu năm 2022 được viết bởi Morgan Housel. Tiền xuất hiện từ nhu cầu trao đổi hàng hóa. Ban đầu tiền trong lưu thông bằng với lượng hàng hóa, tuy nhiên, theo thời gian, khi tài sản trở nên dư thừa, khả năng mua được bao nhiêu tài sản bằng tiền quyết định sự giàu có của một người. Lúc này, tiền không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích ban đầu như một công cụ giao dịch, mà đã trở thành vật đại diện cho vị thế và cấp bậc trong xã hội. Vì vậy, dù rằng tiền là thứ ai cũng quan tâm, nó ít khi được bàn đến một cách cởi mở bởi tính nhạy cảm này: lương nhiều hay ít, nhà to hay nhà nhỏ, xe mắc hay xe rẻ… Dần dần, mối quan hệ của chúng ta với tiền trong xã hội hiện đại chỉ được hiểu theo hướng càng nhiều tiền càng tốt và bản thân chúng ta được định nghĩa bởi con số trong tài khoản ngân hàng hoặc số sổ đỏ có được.
Chính vì thế, đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi cho ta một góc nhìn khác về mối quan hệ này, thay đổi cách ta đối xử với tiền, tập trung vào việc xem nó làm công cụ phục vụ đời sống thay vì là để nó kiểm soát chúng ta. Kết quả là, cuốn sách này không chỉ nói đến tiền, mà từ mối quan hệ với tiền, ta hiểu thêm về tâm lý, lòng tham và hạnh phúc. Đúng như dòng chủ đề trên bìa: “Timeless lessons on wealth, greed and happiness” (Những bài học trường tồn về sự giàu có, lòng tham và hạnh phúc)
1. Hãy cẩn thận khi chọn người để ngưỡng mộ hoặc khi khinh thường một ai đó. Vì không dễ phân định được bản chất của thành công và thất bại.
Chúng ta hành động dựa theo cách chúng ta hiểu về thế giới, cách nó vận hành và những niềm tin khác nhau có được từ trải nghiệm trong quá trình trưởng thành. Tư duy về tiền của một người ở tầng lớp lao động có thu nhập thấp – một người phải làm việc, vay mượn để trả từng đồng hóa đơn, từng bữa ăn sẽ khác với tư duy về tiền của một người có tài chính dư dả. Với những người có thu nhập thấp, đồng tiền tạo áp lực không hề nhỏ lên đôi vai và làm chủ cuộc đời họ, dù làm lụng bao lâu, họ vẫn thấy cực nên họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé số, với hy vọng đổi đời cùng vận may. Tính ra, những con người ấy có thể bỏ ra vài triệu một tháng cho trò chơi may rủi, và cũng những con người ấy không có vài triệu để mua thức ăn cho tháng đó – nghịch lý ấy là có… Nhưng hoàn cảnh tạo nên tư duy, tư duy dẫn đến hành động, kéo theo thói quen và dù rằng tình huống trên nghe thật ngược ngạo, chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao họ làm vậy. Chính vì thế, rất khó để có được những quyết định tài chính một cách khôn ngoan.
Do đó, mọi thứ không trắng hoặc đen hoàn toàn. Cũng như câu chuyện về “may mắn” hay “rủi ro” mà tác giả có đề cập đến – chúng ta ngưỡng mộ Mark Zuckerberg khi Mark từ chối lời đề nghị bán Facebook với giá $1 tỷ từ Yahoo! nhưng chúng ta lại chê trách khi Yahoo! từ chối lời đề nghị mua lại từ Microsoft. Bài học ở đây là gì nếu ta có công ty riêng, nên bán không? Không biết được, bởi không cách gì biết được chúng ta đang gặp may hay gặp rủi.
Từ đó, Morgan chỉ ra bài học kinh nghiệm đầu tiên:
“Không phải mọi thành công đều bởi chăm làm, không phải mọi thất bại đều do lười biếng. Hãy nhớ điều này khi phán xét người khác, bao gồm cả chính bản thân bạn”
2. Đừng mạo hiểm những gì mình đang có vì những thứ mình không có và không cần
Không hiếm khi lướt qua tin tức hàng ngày và bắt gặp nhiều người dù đã rất giàu có, họ vẫn mạo hiểm vi phạm pháp luật để kiếm nhiều tiền hơn. Không có khái niệm “đủ” trong quan niệm sống của họ. Morgan chỉ ra rằng:
- Kỹ năng tài chính khó nhất chính là giới hạn mục tiêu tài chính của bản thân. Ngày hôm nay bạn đặt mục tiêu kiếm được 1 tỷ. Khi đã có 1 tỷ trong tay, bạn lại muốn mình có 10 tỷ. Theo mình, việc đặt mục tiêu không hề xấu, chỉ là đừng nâng mức độ mạo hiểm lên theo độ lớn của mục tiêu.
- Hãy ngưng so sánh với người khác trong xã hội. Một người kiếm được 500 triệu một năm sẽ so sánh với người kiếm được 1 tỷ mỗi năm. Warren Buffet, nhà đầu tư giỏi nhất với khối tài sản $3.5 tỷ đô có thể so sánh với Jeff Bezos – nhà sáng lập nên Amazon với khối tài sản $24 tỷ vào năm 2018. Mấu chốt ở đây là áp lực so sánh trong xã hội là không có giới hạn, và khi nào chúng ta vẫn tạo áp lực lên chính mình và mạo hiểm vì những thứ bản thân không cần, một ngày nào đó chúng ta có thể mất hết những gì mình đang có.
3. Thay vì mong kiếm nhiều tiền hơn, hãy hướng về trạng thái tài chính bền vững.
Với bài học đầu tiên, Morgan đã chỉ ra rằng bản chất của thành công là may mắn hay tài giỏi rất khó phân định rõ ràng. Vậy nên việc chúng ta “ăn” được nhiều từ thị trường có thể là do may mắn, vì do đó chúng ta chấp nhận thực tế rằng mình có thể sẽ mất trắng, cũng nhanh như cách chúng ta kiếm được lợi nhuận vậy.
Lãi suất kép được xem là kỳ quan thứ bảy của thế giới khi nó là mấu chốt tạo nên thành công của nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, trong đó có Warren Buffet. Và tính hiệu quả của lãi suất kép sẽ tăng theo thời gian đầu tư, do đó, bạn càng ở lâu trong thị trường, thì bạn sẽ hưởng lợi được càng nhiều nhờ lãi suất kép.
Vậy nên, biết cẩn trọng với nỗi sợ mất tiền và tồn tại trong thị trường càng lâu là bạn đang đi trên con đường hướng đến tài chính bền vững.
4. Tiền quan trọng nhưng không phải là điều ý nghĩa duy nhất
Một điều rất hay của cuốn sách này đó là mặc dù nó nói về tiền và sự thịnh vượng, điều sau cùng tác giả muốn hướng người đọc đến lại là tiền không phải là tất cả và nó không quyết định liệu bạn có hạnh phúc với cuộc đời hay không. Morgan Housel có trích dẫn kết quả nghiên cứu trong cuốn sách “30 Lessons for Living” (tạm dịch: 30 Bài học của cuộc sống) của nhà lão khoa Karl Pillemer, sau khi phỏng vấn một nghìn người cao tuổi ở Mỹ về bài học quý giá nhất mà họ đã học được trong đời.
Không ai trong số họ nói rằng việc có tiền để mua mọi thứ bạn muốn đem lại hạnh phúc. Không ai trong số họ nói rằng việc giàu có hơn người hàng xóm của bạn là quan trọng. Không ai trong số họ nói rằng bạn nên chọn sự nghiệp dựa vào tiềm năng thu nhập trong tương lai.
Trái lại, điều họ trân trọng sau hàng thập kỷ tồn tại đó là những mối quan hệ thân thiết, là một phần của thứ gì đó có ý nghĩa lớn lao hơn bản thân họ và việc dành nhiều thời gian quý báu với những đứa con của mình.
LỜI KẾT
Sau cùng thì, thay vì dạy ta làm giàu, Psychology of Money giúp ta thay đổi cách suy nghĩ về tiền bạc và mối quan hệ của ta với chúng để hướng về tự do tài chính.
- May mắn và tính thời điểm rất quan trọng. Chúng ta cần may mắn để giàu có, giàu có không phải lúc nào cũng đến từ nỗ lực, nhưng nếu không nỗ lực thì chắc chắn không thể giàu.
- Tiền quan trọng nhưng không phải là điều có ý nghĩa duy nhất. Hiểu điều này để không vì những thứ mình chưa có và chưa cần mà mạo hiểm những gì mình đang có.
Cheers,
Huy Bui
Leave a Reply