”Người đàn ông mang tên Ove” một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Thuỵ Điển Fredrik Backman vào năm 2012, mất 18 tháng để được nằm trong list New York Times Best Seller và giữ vững vị trí trong 42 tháng sau đó. Không phải tự nhiên mà “Người đàn ông mang tên Ove” lại có thể duy trì nằm trong New York Times Best Seller lâu thế khi nó cuốn người đọc vào 1 câu chuyện rất đời thường, về một gã đàn ông luôn nhăn nhó khó chịu – hình ảnh về một người nào đó mà chắc hẳn ai trong chúng ta đã từng gặp, một người lúc nào cũng mang một vẻ mặt chau mày đăm đăm. Để rồi, từng lát cắt cuộc đời của một người như thế được bóc tách để rồi từ quá khứ đến hiện tại, chúng ta hiểu ra điều gì đã tạo nên một con người như thế.
Ove – từ góc nhìn của người ngoài là một gả gằn dở, lúc nào cũng hằn học, trách móc người khác khi làm không đúng quy định/ nguyên tắc mà ông cho là đúng, và ông…không tin vào tính tốt đẹp của con người.
Thế nhưng, đó không phải là bản tính vốn có của người đàn ông này. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, tác giả đưa người đọc xuyên không từ hiện tại đến quá khứ. Hiện tại là để khắc hoạ một con người khó khăn, cứng nhắc, bất mãn với đời, với con người. Ông đang sống trong môt khu phố biệt lập với một vài gia đình khác, những người mà ông đã gắn bó suốt mấy chục năm nay – là ngôi nhà của đôi vợ chồng nhà Rune, là anh chàng Jimmy quá cân. Mỗi sáng, Ove đều một mình đi “tuần tra” khu phố và ngăn cản bất cứ ai bất chấp biển cấm mà chạy vào khu dân cư này. Ông xem mọi lời giải thích của người khác là lời sỉ nhục. Ông thấy ai cũng không đáng tin. Nếu chỉ nhìn vào hiện tại, con người ông không có gì để người đối diện có thể yêu quý được. Thế nhưng, xen lẫn với hiện tại là câu chuyện của quá khứ, một quá khứ có hai người mà ông yêu thương nhất và trân trọng hết mực, để rồi khi thế giới cướp họ đi, ông trở nên căm phẫn với thế giới đó.
Người đầu tiên chính là cha ông – một người tuyệt vời, một người ngay thẳng, điềm tĩnh và là người dạy ông biết cách sống sao cho ra một người đàn ông – chân thật, không mách lẻo và chính trực. Ông ngưỡng mộ cha và vì thế tiêu chuẩn ông đặt ra cho mọi người xung quanh cũng cao như thế.
Người cha là hình mẫu và thước đo cho mọi hành động của ông. Trong những tình huống cần đưa ra quyết định, ông sẽ tự hỏi” nếu là cha thì ông sẽ làm gì ?”. Để rồi khi ông hành động theo lòng tốt của mình, ông lại bị phản bội và đánh mất những thứ quan trọng nhất – công việc nhận từ người cha và ngôi nhà thơ ấu của mình. Làm việc tốt theo cha chỉ đem đến nỗi đau khổ trong lòng – vậy thì tốt đẹp để làm gì? Ông nghĩ thế và đi đến quyết định rằng mình sẽ không làm việc tốt nữa, không tin vào con người nữa.
Người thứ hai chính là Sonja – người vợ, và cũng là người thứ hai mang màu sắc đến với cuộc sống của ông. Thế nhưng cuộc sống như không ngừng trêu đùa khi một lần nữa cướp đi người mà ông trân quý. Thời gian bắt đầu cuốn tiểu thuyết là lúc này đây khi ông đã mất tất cả lý do để sống, do đó ông quyết định tự kết thúc cuộc sống của mình để đến bên người vợ của mình. Thế nhưng sự hiện diện bất ngờ của đôi vợ chồng ngoại quốc Parvaneh và Patrick đã khiến kế hoạch của ông thất bại hết lần này đến lần khác. Và từ đây, cuốn tiểu thuyết mới thật sự bắt đầu, khi bạn được chứng kiến những tình huống dở khóc dở cười giữa 2 con người có tính cách hoàn toàn khác nhau – một người luôn hào sảng, nhiệt tình, ưa nói chuyện; còn một người chỉ biết hằn học, càm ràm, lúc nào cũng đầy căm phẫn… Cứ mỗi khi Ove tính tự sát, thì một sự kiện nào đó liên quan đến Parvaneh và Patrick lại xảy ra, buộc Ove phải “tạm hoãn” dự định của mình mà đi giải quyết để rồi sau mỗi sự kiện như thế, họ đi vào cuộc sống của nhau và Ove dần tìm thấy mục đích sống cùng với gia đình đôi vợ chồng ấy.
Nếu bạn cần một cuốn tiểu thuyết gây cấn giật gân thì chắc chắn “Người đàn ông mang tên Ove” không dành cho bạn. Đây là cuốn tiểu thuyết để bạn thong thả “nhắm nháp”, để rồi có lúc bật cười, đôi khi xót xa và thấy ấm lòng bởi tình người, tình bạn, tình làng xóm, tình yêu, tình vợ chồng và rồi ở lần tiếp theo, khi bạn nhìn thấy một ai đó mang gương mặt khó đăm đăm, bạn sẽ không còn phán xét một cách vội vã nữa.
Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim với cái tên “Người mang tên Otto” do Tom Hanks đóng. Bản phim đã làm tốt việc chuyển thể, nhưng vẫn chưa truyền tải được hết câu chuyện trong quá khứ của nhân vật, nhưng lại làm rất tốt kết phim. Vậy nên cả bản phim và truyện đều rất đáng thưởng thức – nhưng nếu phải chọn, thì hãy xem phim trước nhé.
Leave a Reply