Xa kia nơi loài tôm hát - Where the crawdads sing

[Book review] Where the crawdads sing – Xa kia nơi loài tôm hát

“Xa kia nơi loài tôm hát” là một cuốn tiểu thuyết nổi lên trong thời gian gần đây, được chuyển thể thành phim và vừa xuất hiện trong danh sách New Release của Netflix. Một trong những lý do khiến mình luôn thích đọc tiểu thuyết (khi đọc được đúng cuốn) đó là khoảnh khắc…


Xa kia nơi loài tôm hát - Where the crawdads sing

“Xa kia nơi loài tôm hát” là một cuốn tiểu thuyết nổi lên trong thời gian gần đây, được chuyển thể thành phim và vừa xuất hiện trong danh sách New Release của Netflix.

Một trong những lý do khiến mình luôn thích đọc tiểu thuyết (khi đọc được đúng cuốn) đó là khoảnh khắc ngẩn ngơ, để bản thân lắng đọng và tận hưởng thứ cảm xúc cuốn sách đó mang lại sau khi hoàn thành nó.


Chúng ta – những con người bình thường với cuộc sống tiếp diễn mỗi ngày, có thể ngày nào cũng như ngày nào và xem đó là đặc quyền được hưởng và ít có góc nhìn tổng thể phóng tới tương lai hoặc lui về quá khứ. Tiểu thuyết là thứ giúp khoả lấp khoảng thiếu sót đó. Như một lăng kính, ta được xem và theo dõi cuộc đời của một người qua từng trang sách, từ khi còn là một đứa trẻ cho đến khi nằm xuống mãi.

“Xa kia nơi loài tôm hát” đưa người đọc đến vùng đồng lầy, nơi câu chuyện về Kya – cô bé với hoàn cảnh đặc biệt, phải sống trong cảnh bạo lực gia đình mỗi ngày để rồi từng người lần lượt – mẹ cô, anh trai, chị gái lần lược bỏ đi, để cô ở lại với người cha bạo lực. Theo cô, người đọc thấy mỗi ngày của cô ra sao, cô tồn tại như thế nào trong hoàn cảnh đó – bán vẹm lấy tiền để sống, mỗi bước chân đều phải nhỏ nhẹ, luôn sống trong sự hồi hộp không biết tâm trạng cha mình thế nào…

Sống trong đồng lầy là sống tách biệt với mọi người trong thị trấn, không đi học, không có bạn bè, chưa từng hoà nhập và cứ thế Kya được người ta là “Cô gái đồng lầy”, như một cách để xem cô là nhân vật dị thường, khác biệt, không cùng đẳng cấp, không thuộc về xã hội. Một bé gái đơn độc, với chiếc áo sờn, đi chân không đi bán vẹm, lấy tiền mua bột ngô làm món ăn qua bữa, bị cô lập như vậy thì sống làm sao? Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó, cuốn tiểu thuyết lần lượt giới thiệu những nhân vật đặc biệt – Tate, anh chàng tốt bụng, người tâm giao và là chỗ dựa tinh thần; bác Jumpin và Mabel – cặp vợ chồng với tấm lòng nhân hậu, luôn dõi theo và giúp đỡ cô; Chase – kẻ không thể vượt qua định kiến xã hội để rồi phản bội Kya và khiến cô khổ sở; Eric – tên cảnh sát trưởng bị mờ mắt bởi định kiến với Kya mà làm ăn tắc trách và khiến cô vào tù..

Câu chuyện kết thúc không viên mãn, nhưng đủ khiến người đọc cảm thấy hài lòng vừa đủ. Nếu có đọc một mạch, những trang cuối là khi tâm trí người đọc tua lại cả một hành trình của một người được sinh ra trong hoàn cảnh không may mắn, nhưng vẫn can trường vượt qua để được sống, bằng bản năng sinh tồn của một đứa trẻ. Người tốt xuất hiện, kẻ xấu cũng có. Cuộc đời của Kya của có thể là cuộc đời của bất cứ ai – hoàn cảnh sống không tốt, đối mặt với định kiến xã hội, sự cô lập, người tốt, kẻ xấu lần lượt xuất hiện và vẫn phải tìm cách vượt qua – cuộc đời của “Cô gái đồng lầy”. “Đồng lầy” là từ xác định nhân dạng của Kya, là thứ khiến mọi người cô lập cô, nhưng cũng chính là nơi chỉ có mình cô hiểu rồi, để rồi cho cô cơ hội được xuất bản sách và nhờ đó mà cuộc sống tốt hơn, là nơi cho cô sức mạnh và nơi lẩn trốn trong những lúc khó khăn. Vậy nên dù “đồng lầy” có thể là rào cản, nhưng cũng có thể là cơ hội…

Một câu nói rất hay của người luật sư đó là: “Chúng ta chối bỏ cô Clark vì cô ấy khác thường, hay cô ấy khác thường vì chúng ta chối bỏ cô ấy?…”

Mới thấy phim chuyển thể trên Netflix, hy vọng là giữ phong độ như sách 😀


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *