FIRE là gì?
Trào lưu FIRE là phong trào tự do tài chính đã rất phổ biến ở Mỹ và bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Vậy phong trào này là gì? FIRE là viết tắt của Financial Independence (Tự do tài chính) và Early Retirement (Nghỉ hưu sớm). Nói ngắn gọn, đích đến cuối cùng của con đường FIRE là bạn không cần phải đi làm mà vẫn có tiền để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của mình.
Tự do tài chính và Nghỉ hưu sớm ở đây không có nghĩa là bạn phải trở nên thật giàu có, sở hữu biệt thự chục tỷ, xe sang hàng trăm nghìn đô, nhiều tiền đến mức xài không hết mà là bạn có nguồn tài chính đủ để đáp ứng nhu cầu của bạn mà không cần phải đi làm.
Vậy thì với định nghĩa trên, chúng ta cần xác định rõ 2 điều:
- Nhu cầu cơ bản của bạn một tháng/ một năm là bao nhiêu?
- Nguồn tài chính bao nhiêu thì được xem là đủ lớn?
Công thức của FIRE
Câu trả lời là, chúng ta cần phải tiết kiệm 50% – 70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm. Mỗi năm bạn chỉ cần rút ra 4% số tiền để tiêu, số còn lại vẫn tiếp tục sinh lãi trong những năm tiếp theo ⇒ cho phép bạn nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 40s – 50s.
Giả sử mức chi tiêu tối thiểu của bạn là 120 triệu/ năm (10 triệu/ tháng) thì bạn sẽ cần 120 triệu * 25 = 3 tỷ để được Tự do tài chính.
Nghe thật sướng phải không nào? Nhưng cái gì nghe sướng tai thường cũng không dễ.
Tại sao lại là 4%? Đây là kết quả nghiên cứu từ giới học thuật từ nhiều năm trước với kết luận rằng, tỉ lệ rút tiền 4% mỗi năm là con số an toàn để portfolio của các bạn không bị cạn kiệt trong vòng 30 năm. Nếu các bạn muốn hiểu thêm về phong trào FIRE, những lý thuyết và quan điểm phía sau của nó thì có thể nghiên cứu thêm từ blog của chị Chi – The Present Writer tại: https://thepresentwriter.com/tra-loi-cau-hoi-ve-fire/
Còn ở bài viết này, mình sẽ tập trung vào những khái niệm cơ bản, mục tiêu mấu chốt của FIRE và đặc biệt đi sâu vào hành động để đạt Tự do tài chính.
Mục đích sau cùng của FIRE?
Giải thoát sự chi phối của đồng tiền, cho phép bạn tận hưởng cuộc sống và theo đuổi những gì mình mong muốn.
Những bước cần thiết ban đầu:
- Xác định nhu cầu hàng tháng: bằng cách ghi chép lại chi tiêu hàng ngày, chia thành 2 loại chi phí (tiêu dùng căn bản, tiêu dùng phụ trội). Hiện tại mình đang dùng app Money Lover trên điện thoại để ghi nhận chi tiêu, app này dễ xài và theo mình nó đáp ứng nhu cầu cơ bản là theo dõi chi tiêu.
Ví dụ:
Loại chi tiêu | Phải có | Nên có | Không cần thiết |
---|---|---|---|
Nhà | 5,000,000 | ||
Hóa đơn | 1,000,000 | ||
Gia đình | 2,000,000 | ||
Sức khỏe | 500,000 | ||
Di chuyển | 500,000 | ||
Cafe | 1,000,000 | ||
Từ bảng tổng hợp trên, nhu cầu cần thiết cho 1 tháng của mình ở mức 8.5 triệu. Chi phí không cần thiết là “Cafe, Đi chơi” ta có thể cắt giảm và dành phần tiền đó cho đầu tư.
- Trả hết nợ tiêu dùng: để được Tự do tài chính, chúng ta cần phải tập trung vốn vào phần đầu tư nhiều nhất có thể. Do đó, ta cần cắt đi bất kỳ khoản chi nào khiến số tiền đầu tư của ta bị sụt giảm – trong đó có nợ tiêu dùng (vay mua điện thoại, mua xe…), một khoảng nợ có thể không lớn nhưng sẽ dần ăn mòn tiềm năng đầu tư của bạn.
- Quản lý vốn: dù cho đầu tư là quan trọng, nó cũng có độ rủi ro nhất định và vì thế ta không nên dồn toàn bộ số tiền có được vào đầu tư. Việc chia vốn thành nhiều hũ với từng mục đích khác nhau là rất quan trọng để (1) quản lý rủi ro và (2) có tâm lý thoải mái khi đầu tư.
- Hũ 1: 6 tháng – 12 tháng tiêu dùng căn bản để dùng trong trường hợp khẩn cấp (thất nghiệp…). Giả sử 1 tháng bạn tiêu 10 triệu, thì hũ này cần 60-120 triệu.
- Hũ 2: tiêu dùng ngắn hạn (mua điện thoại…). Giả sử bạn tính mua điện thoại mới, hũ này cần 20 triệu
- Hũ 3: đầu tư – số tiền dư còn lại sẽ được để vào hũ này. Đây là một cái hũ không đáy, tức càng nhiều càng tốt.
Ta cần làm đầy các hũ theo thứ tự hũ 1 → hũ 2 → hũ 3. Nến bạn quyết định nghỉ việc trong vòng 3 tháng, vậy bạn sẽ sử dụng 30-60 triệu từ hũ 1. Khi đi làm lại, bạn cần một vài tháng tích lũy, làm đầy lại hũ 1 thì mới được tiếp tục chuyển sang hũ 2, hũ 3.
- Tối đa lợi nhuận từ đầu tư: hiện tại, những kênh đầu tư thông dụng là:
- Gửi ngân hàng
- Giấy tờ có giá (cổ phiếu, trái phiếu)
- Bất động sản
- Góp vốn kinh doanh
Theo thứ tự từ trên xuống dưới, Rủi ro và Lợi nhuận tăng dần, trong khi Tính ổn định giảm dần.
Trên đây là mindset và những bước căn bản đầu tiên của FIRE, ở những bài viết sau, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu thêm về cách đầu tư với mức lợi nhuận cao hơn gửi ngân hàng – Giấy tờ có giá.
Hành trình đi đến FIRE rất dài. Mình cũng đang mày mò trên con đường này, và cũng không biết khi nào mới đi đến đích, nhưng mình cũng muốn vừa đi vừa chia sẻ những gì bản thân đã và đang tìm hiểu. Biết đâu gặp được nhiều người chung mục tiêu và có thể trao đổi với nhau 😀
Cheers,
HB
Leave a Reply