Mục đích và Phân loại báo cáo tài chính
Như trong bài phân tích trước, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán được quyết định bởi kỳ vọng của nhà đầu tư. Nếu một công ty có tiềm năng phát triển lớn, nó sẽ được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao và nhờ vậy giá cổ phiếu tăng lên. Vậy làm sao để biết một công ty có tiềm năng hay không?
Điều này được xác định thông qua việc phân tích báo cáo tài chính của công ty.
Báo cáo tài chính bao gồm ba loại:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Hiểu theo một cách đơn giản và gần gũi với hình dung của một người tiêu dùng bình thường,
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ bao gồm Doanh thu (tương tự “Tiền lương”) và Chi phí (tương tự ”Mua sắm”)
- Bảng cân đối kế toán lại thể hiện một bức tranh bao gồm các loại Tài sản và Nợ của bạn – tương tự như điện thoại, xe máy của bạn…, và nó cho bạn biết nếu trong trong trường hợp bạn cần tiền liền, thì bạn đang có những loại tài sản nào có thể bán đi, thu lại tiền để đáp ứng một số nhu cầu như tăng chi tiêu hoặc trả nợ.
- Báo cáo lưu chuyển tiền cho bạn biết trong một khoảng thời gian nhất định, số tiền bạn chi ra có đang nhiều hơn số tiền bạn thu vào hay không.
Mối liên hệ giữa các loại báo cáo tài chính
Như các bạn có thể thấy, lợi nhuận kiếm được từ hoạt động kinh doanh chính (thể hiện qua (1) Báo cáo hoạt động kinh doanh) sẽ là nguồn tiền đi vào chủ yếu của doanh nghiệp (liên kết với (2) Báo cáo dòng tiền). Với số tiền này, doanh nghiệp sẽ chi cho những hoạt động cần thiết như đầu tư tài sản cố định, trả các khoản nợ ngắn hạn ⇒ điều này sẽ được phản ánh trực tiếp trong con số giá trị Tài sản & Nguồn vốn trong (3) Bảng cân đối kế toán.
Như vậy các bạn có thể thấy, ba bảng báo cáo tài chính có sự liên kết chặt chẽ để cho người đọc hiểu tiền được:
- What: doanh nghiệp đang làm gì?
- Where: tiền được chi vào đâu?
- Why: tại sao giá trị công ty đi xuống? Nguyên nhân bắt nguồn từ việc kinh doanh đi xuống, hay vì hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả.
- How: doanh nghiệp đã làm gì để phát triển công ty? Giảm thiểu chi phí vận hành hay vì tối ưu chi phí sản xuất?
Đây chính là bản chất và mối liên hệ giữa các loại báo cáo tài chính. Đi sâu vào từng loại báo cáo, ta sẽ thấy nhiều loại tài sản, loại nợ, loại đầu tư… Nhìn vào có thể sẽ bị rối ban đầu, tuy nhiên, một khi ta đã nắm được bức tranh tổng thể, vấn đề còn lại chỉ là phân tách chi tiết.
Ví dụ phân tích cụ thể:
Nhìn vào bảng Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ở trên, ta bắt đầu từ Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Thoạt nhìn, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm hơn 50 tỷ, tức giảm gần 60% => công ty này đang làm ăn thua lỗ và chúng ta không nên đầu tư?
Lúc này, ta không thể đưa ra kết luận vội vàng mà cần phân tích nguyên nhân xem con số giảm này đến từ đâu.
- Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (con số thể hiện kết quả của hoạt động kinh doanh chính): khi so sánh giữa 2 năm, con số không thay đổi nhiều ⇒ lợi nhuận giảm không đến từ việc kinh doanh yếu kém.
- Doanh thu hoạt động tài chính: con số chênh lệch giữa hai năm là rất lớn và ta biết ngay đây chính là nhân tố gây ra sự khác biệt lớn trong lợi nhuận giữa hai năm của công ty.
Vậy năm 2019, doanh nghiệp đã làm gì mà có doanh thu tài chính lớn như thế?
Ta kiếm báo cáo năm 2019 của công ty để hiểu rõ hơn:
Vậy con số 114 tỷ doanh thu tài chính vào năm 2019 của công ty đến từ việc thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên doanh.
Kết luận: từ việc phân tích trên, ta hiểu rằng mặc dù trên báo cáo, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm mạnh so với năm ngoái, con số giảm này không phải bởi công ty làm ăn thua lỗ mà bởi vì một khoản lợi nhuận bất thường trong năm 2019. Hoạt động kinh doanh của công ty không kém đi, nhưng cũng không tốt hơn. Do đó, chúng ta cần quan sát thêm một thời gian để đánh giá xem đây có phải là một công ty tốt để đầu tư hay không.
Từ ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng việc phân tích báo cáo tài chính sẽ giúp ta thực sự hiểu rõ doanh nghiệp, loại bỏ những thông tin gây nhiễu và góp phần giúp ta đưa ra quyết định chính xác hơn khi đầu tư. Đây thường là bước đầu tiên mình sử dụng khi phân tích một cổ phiếu, mong rằng phần nào có thể giúp ích cho bạn trên con đường đầu tư.
Be motivating,
HBui
Leave a Reply