Inside Out - Tri thong minh cam xuc

Về “Inside Out” trong cuốn “The 7 habits of highly effective people”

Ở bài blog này, mình sẽ không review, đánh giá hoặc liệt kê 7 thói quen được đề cập trong sách mà sẽ chỉ nói về chương đầu tiên với cái tiêu đề gợi trí tò mò – “Inside Out”. Vì theo mình, đây là chương sách quan trọng nhất. “Inside Out” tạm dịch là…


Ở bài blog này, mình sẽ không review, đánh giá hoặc liệt kê 7 thói quen được đề cập trong sách mà sẽ chỉ nói về chương đầu tiên với cái tiêu đề gợi trí tò mò – “Inside Out”. Vì theo mình, đây là chương sách quan trọng nhất.

“Inside Out” tạm dịch là “Từ Trong ra Ngoài”. Vậy Trong và Ngoài ở đây là gì?

Nhận thức chỉ thay đổi khi ta muốn giải quyết vấn đề

Mở đầu chương, Stephen chia sẻ với người đọc nhiều vấn đề khác nhau mà ông gặp trong cuộc sống, từ cuộc hôn nhân lạnh lẽo, cậu con trai ngỗ ngược, đội ngũ nhân viên thiếu lòng tin và trung thành…

Stephen kể rằng, con trai ông tương đối thấp bé, ốm và yếu đuối. Vung gậy bóng chày cũng là một khó khăn với thằng bé. Stephen và vợ cố gắng giúp cậu bé bằng thái độ động viên, khen thằng bé mỗi khi nó làm tốt: “Ta biết con có thể làm được. Nhìn kỹ vào bóng, cầm gậy cao hơn và đừng vung gậy cho đến khi bóng tới gần”. Và mỗi khi có đứa trẻ nào đến gần chọc quê thằng bé, Stephen đều nổi cáu và la chúng: “Để thằng bé yên. Nó đang học hỏi”. Thế nhưng thằng bé bắt đầu khóc và bảo rằng nó sẽ không thể nào làm tốt được.

Bất chấp nỗ lực giúp đỡ bằng thái độ tích cực đó, Stephen vẫn không thể giúp con trai mình khá lên được. Tình cờ lúc này, Stephen đang nghiên cứu về “hiệu ứng Pymalion” để chuẩn bị cho một chương trình huấn luyện ở IBM, theo đó cách chúng tác động đến ta và nhận ra rằng thế giới nhìn nhận ta theo cách mà ta nhìn nhận thế giới.

Khi Stephen và vợ bắt đầu nhìn sâu hơn vào cảm xúc và nhận thức của bản thân,họ hiểu ra rằng những gì hai vợ chồng đang làm để giúp đỡ đứa con trai không ăn khớp với cách họ nhìn nhận thằng bé. Trong mắt họ, thằng bé quả thật là không có khả năng, yếu đuối và đó là lý do Stephen nổi cáu và ra sức bảo vệ khi nó bị lũ trẻ chọc ghẹo. Vậy nên, bất chấp hai vợ chồng có cố gắng hỗ trợ thằng bé nhiều như thế nào, những gì mà thằng bé hiểu được từ hành động của bố mẹ là: “Con đang thua kém bạn bè, và con cần được bảo vệ”.

Do đó, nếu chúng ta muốn thay đổi tình hình, chúng ta phải nhìn sâu vào cảm xúc và thay đổi nhận thức của bản thân.

Vợ chồng Stephen không còn tập trung vào những nỗ lực để giúp con trai mà thay vào đó, họ tập trung vào động cơ và nhận thức cốt lõi của hai người về thằng bé. Họ không còn cố gắng uốn nắn thằng bé theo quy chuẩn và kỳ vọng của xã hội nữa. Và bởi vì họ thay đổi nhận thức của bản thân về thằng bé, họ xem nó là một người mạnh mẽ và đủ khả năng để làm gì nó muốn, nên họ không còn bảo vệ nó trước lời chọc ghẹo của những đứa trẻ khác.

Tuần tiếp nối tuần, thằng bé dần tự khẳng định được bản thân, theo nhịp độ phù hợp với nó và tiến bộ hơn.

Đôi khi một vấn đề nào đó xảy ra và kéo dài (chữ “Out” trong tiêu đề), và dù đã thử mọi cách từ bên ngoài để hỗ trợ nhưng vấn đề vẫn ở đó, thì đó là lúc ta cần quay về những gì căn bản nhất – bản thân chúng ta (chữ “In” trong tiêu đề).

Bản đồ nhận thức và cách chúng tác động lên hành vi của ta

Trong đầu mỗi người chúng ta đều có rất nhiều loại bản đồ. Loại bản đồ này chỉ ta biết về hiện thực, ví dụ như nước phải trong suốt, ở nhiệt độ 100 độ C, nước phải sôi. Loại bản đồ khác thì bảo ta rằng mọi thứ cần phải như thế này để phù hợp với xã hội, chẳng hạn đi làm ngày 8 tiếng là ổn định, học xong phải lập gia đình, lập gia đình xong phải có con, con gái thì phải thùy mị blah, blah… Hiếm khi ta thắc mắc liệu bản đồ này là đúng hay sai, thậm chí ta cũng không nhận ra trong đầu ta có những kiểu bản đồ như thế.

Những bản đồ này dẫn lối cho mọi hành vi và thái độ của ta. Một câu chuyện mà Stephen kể trong cuốn sách là khi con gái anh không chịu chia sẻ đồ chơi với bạn bè xung quanh. Ban đầu Stephen còn nhẹ nhàng khuyên nhủ con bé bạn bè chơi chung, thế nhưng cô bé không nghe và bướng bỉnh cãi lại, thế là Stephen lớn giọng và dùng quyền lực của cha để ép con mình chia đồ chơi cho bạn. Bản đồ nhận thức bảo anh rằng, con bé phải học cách chia sẻ vì như vậy mới là người tốt, nếu con bé không làm thế thì người ta sẽ nghĩ xấu về cha mẹ nó. Lúc này, Stephen đang xem trọng giá trị mà những cặp cha mẹ nhìn nhận về bản thân, hơn là xem trọng sự phát triển và mối quan hệ giữa anh và con gái.

Stephen nói rằng lúc đó nếu anh trưởng thành hơn về nhận thức, mạnh mẽ hơn về nội tâm thì có thể sau khi khuyên nhủ cô bé, anh đã có thể cho con bé quyền tự quyết định có chia sẻ hay không. Và nếu sau cùng cô bé không chịu thì anh sẽ chuyển sự tập trung sang những đứa trẻ khác và bày ra nhiều trò chơi khác, gỡ bỏ áp lực khỏi con bé và khi nó học được sự sở hữu thực sự, nó sẽ sẵn sàng chia sẻ một cách tự nhiên hơn.

Cuốn “The 7 habits of highly successful people” còn chia sẻ rất nhiều điều mà trong giới hạn một bài blog post, mình không thể chia sẻ đầy đủ và thực sự đọc xong, mình cũng không nhớ mấy :)), ngoại trừ chương đầu tiên là chương để lại ấn tượng mạnh và thay đổi cách mình nhìn nhận về bản chất vấn đề. Hiểu được điều này, mỗi khi cảm xúc lấn át hành động, ta có thể chậm lại để phân tích nó và xem loại “bản đồ” nào dẫn ta đến hành động đó, “bản đồ” này đúng hay sai và ta có nên đổi “bản đồ” hay không. Mỗi loại bản đồ được hình thành từ thế giới quan và nhận thức của mỗi người, là thứ được tạo nên từ ký ức, quan niệm xã hội và môi trường sống từ nhỏ. Hiểu được căn nguyên cảm xúc là hiểu hơn về bản thân và nhờ đó mà ta cũng hiểu hơn cảm xúc của những người xung quanh mà có phản ứng phù hợp.

Thái độ và biểu hiện chúng ta thể hiện ra bên ngoài với mọi người xung quanh cũng chính là hình ảnh phản chiếu chính chúng ta. Khái niệm tương tự cũng được thể hiện trong nhiều cuốn sách bởi nhiều tác giả khác nhau, mà lời của nhà sư Hae Min trong cuốn “Love for Imperfect Things” là một trong số đó:

“Nếu bạn thích hình ảnh lúc này của mình.

Thì bạn cũng sẽ thích cả những người xung quanh. Ngược lại nếu bạn bất mãn với chính mình. Bạn sẽ thấy bất mãn với tất cả những người xung quanh.

Hy vọng bạn sẽ trở thành người hâm mộ của chính mình”

HB


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *